Từ đầu tháng 5/2025, trên nhiều nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… xuất hiện các video và hình ảnh lan truyền chóng mặt về “trứng gà giả”. Những đoạn clip ghi lại cảnh trứng có hai lòng đỏ, lòng trắng đặc sánh như thạch, vỏ bóng bất thường… kèm theo những lời khẳng định chắc nịch: đây là trứng giả, được làm từ nguyên liệu công nghiệp.
Dù không mới, nhưng tin đồn này một lần nữa khiến người tiêu dùng trên cả nước hoang mang, dẫn đến sụt giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ, ảnh hưởng trực tiếp tới các tiểu thương, doanh nghiệp và hàng chục nghìn hộ chăn nuôi gà đẻ.
Tại Bắc Ninh – một trong những vùng chăn nuôi tập trung của miền Bắc – nhiều trang trại ghi nhận mức thiệt hại lớn chưa từng có. Ông Lê Khánh Mạnh – Tổng Giám đốc DELCO Farm (thị xã Thuận Thành) – cho biết: “Chỉ trong một tuần, giá thu mua trứng giảm từ 1.800 xuống còn 1.350 đồng/quả. Với hơn 115.000 quả mỗi ngày, thiệt hại lên đến hơn 35 triệu đồng/ngày.”
Dây chuyền thu hoạch trứng gà tại trang trại công nghệ cao phát triển nông nghiệp bền vững DELCO Farm.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Hưng Yên – nơi có quy mô chăn nuôi gà đẻ lớn. Nhiều hộ dân phản ánh dù trứng có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thương lái vẫn ngần ngại thu mua. Sản lượng tồn kho tăng cao, giá bán giảm sâu, không đủ bù chi phí thức ăn, điện nước, nhân công.
Trang trại gà trên địa bàn huyện Long Thành
Không chỉ người nuôi, các tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng điêu đứng. Bà Đào Thị Hằng – tiểu thương tại Bắc Ninh – cho biết lượng hàng bán ra giảm 30–40%: “Người dân đổ xô hỏi mua trứng vịt, hoặc né luôn trứng, bất chấp tôi lấy hàng từ nơi có nguồn gốc rõ ràng. Có hôm chỉ bán được chưa tới một chục trứng.”
Trong khi đó, các chuyên gia và cơ quan chức năng khẳng định: cho đến nay, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy con người có thể sản xuất trứng gà giả với cấu trúc, màu sắc và tính chất sinh học tương đồng trứng thật. Những hiện tượng như trứng hai lòng đỏ, lòng trắng đặc sánh như thạch hay vỏ trứng bóng mịn là hoàn toàn tự nhiên, thường gặp ở gà non mới đẻ, gà được cho ăn giàu protein, hoặc do điều kiện bảo quản lạnh kéo dài.
Không chỉ thiếu cơ sở khoa học, việc sản xuất “trứng giả” trên thực tế còn không khả thi về mặt kinh tế. Chi phí để tổng hợp các lớp vỏ, lòng trắng, lòng đỏ nhân tạo, đảm bảo hình dáng và độ an toàn thực phẩm… cao hơn rất nhiều lần so với chi phí sản xuất trứng gà thật từ chăn nuôi công nghiệp. Đây là lý do vì sao, suốt hàng chục năm qua, dù nhiều lần tin đồn rộ lên, trứng giả vẫn chưa từng bị phát hiện trên thị trường Việt Nam hay thế giới dưới dạng sản phẩm tiêu dùng đại trà.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã lên tiếng đề nghị người dân không hoang mang, đồng thời cảnh báo các tổ chức, cá nhân không phát tán thông tin sai sự thật.
Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương và hộ chăn nuôi kiến nghị các cơ quan Công an, ngành Công Thương, Thông tin & Truyền thông vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi và làm rối loạn thị trường. Đồng thời, đề xuất các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông đúng đắn về giá trị dinh dưỡng và độ an toàn của trứng gia cầm, nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn thực phẩm.
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn, hàng giả tràn lan, người tiêu dùng có quyền cảnh giác. Nhưng sự cảnh giác cần đi kèm hiểu biết. Nếu không, chỉ một đoạn video thiếu kiểm chứng cũng đủ đẩy cả chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu vào khủng hoảng – nơi người nuôi mất trắng, người bán mất khách, còn người mua thì mất niềm tin.